CEO Midomax Chu Cẩm Linh: Khởi nghiệp với đam mê của… chồng & hành trình nâng tầm thể thao Việt

CEO Midomax Chu Cẩm Linh: Khởi nghiệp với đam mê của… chồng & hành trình nâng tầm thể thao Việt

Một chiếc bàn nằm trong góc với xung quanh toàn vải vóc, ít ai có thể ngờ đây là nơi làm việc của CEO Midomax, chị Chu Cẩm Linh. Ngay từ những ngày khởi nghiệp khó khăn tới khi quy mô công ty lên tới hàng trăm người, chị Linh vẫn từ chối ngồi phòng riêng vì “muốn kết nối với mọi người nhanh nhất” và “không tạo khoảng cách giữa sếp và nhân viên”.

Bỏ việc Samsung về khởi nghiệp thể thao
- Khi đã có gia đình và trở thành một người mẹ, vì sao chị lại chọn bỏ một công việc lương nghìn đô ở Samsung để về khởi nghiệp trong lĩnh vực thể thao?
Thật ra, đó là một câu chuyện khá dài và câu hỏi này cũng là thắc mắc của rất nhiều người thân, bạn bè của tôi tại thời điểm đó. Mọi người không hiểu tại sao tôi lại quyết định bỏ một công việc mơ ước của nhiều người ở một công ty lớn với mức thu nhập không hề thấp để bắt đầu từ con số 0. Hơn nữa, thể thao và kinh doanh vốn không phải đam mê của tôi, mà là của chồng tôi (anh Tống Đức Thuận – chủ tịch HĐQT Midomax).
Lý do thì đơn giản thôi, tôi quyết định nghỉ việc ở Samsung để khởi nghiệp cùng chồng bởi thấy anh quá tâm huyết, quá quyết tâm, và tôi thực sự muốn sát cánh đồng hành. Tôi tin rằng, khó khăn nào cũng sẽ có thể vượt qua nếu hai vợ chồng đồng lòng.
- Làm thuê đã rất khó nhưng khởi nghiệp còn khó gấp nhiều lần. Có khi nào chị muốn dừng lại? Nếu có, điều gì đã thúc đẩy chị đi tiếp tới ngày hôm nay?
Thực ra, là phụ nữ, nhiều lúc mình cũng cảm thấy mệt mỏi, nản chí, có những lúc cảm giác bế tắc không tìm ra lối thoát. Nhưng mỗi khi ý nghĩ dừng lại vừa lóe lên, tôi lại nghĩ về lý do mình đã bắt đầu và tự hỏi mình đã thực sự cố gắng hết sức chưa. Đi tới bây giờ, tôi không cho phép mình được dừng lại, vì phía sau còn có rất nhiều anh chị em Midomax, những người đồng hành từ những ngày đầu tiên, vượt qua bao khó khăn.


Mang chất lượng Nhật về cho thể thao Việt
- Trước khi có Midomax, những người hâm mộ Việt thường phải mua sản phẩm Mizuno thông qua hình thức xách tay. Việc thuyết phục thương hiệu thể thao Nhật Bản hiện diện chính thức ở Việt Nam diễn ra từ bao giờ. Chị có nhớ đâu là khó khăn nhất trong hành trình này?
Bắt đầu từ khoảng 6-7 năm trước. Khi ấy, Mizuno là một thương hiệu thể thao toàn cầu, vốn nổi tiếng khắt khe trong việc lựa chọn nhà phân phối, còn Midomax mới chỉ là một công ty trên giấy tờ, thậm chí còn chưa hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh.
Trước Midomax, đã có rất nhiều công ty lớn ở Việt Nam muốn đưa Mizuno về Việt Nam nhưng đều thất bại. Dù rất quyết tâm, nhưng chính tôi cũng bất ngờ khi Mizuno quyết định “chọn mặt gửi vàng”, bắt tay hợp tác với Midomax.
Ngày Mizuno cử người sang khảo sát và làm việc với công ty, Midomax còn chưa có một văn phòng tử tế, phải tận dụng 1 căn hộ chung cư để làm văn phòng. Quy mô công ty lúc ấy vẻn vẹn 3 người (2 lãnh đạo và 1 nhân viên). Phải mất rất nhiều lần gặp gỡ tại Việt Nam và Nhật Bản, trao đổi qua điện thoại, email, sau đó Mizuno mới quyết định đồng ý hợp tác với Midomax. Có lẽ họ nhìn thấy được sức trẻ, sự nhiệt huyết và đam mê của mình lúc đó, nên Mizuno đã quyết định mạo hiểm để chọn mặt gửi vàng, và đến bây giờ Mizuno vẫn tự hào đó là 1 quyết định không sai lầm.
- Được biết ngoài là nhà phân phối Mizuno tại Việt Nam thì Midomax còn sở hữu thương hiệu thể thao Kamito, người Việt đón nhận như thế nào với các sản phẩm Kamito? Phản hồi của khách hàng như thế nào?
Phản ứng của người tiêu dùng đối với một dòng sản phẩm mới luôn luôn là nghi ngờ. Họ không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm cho tới khi tự mình trải nghiệm thực tế. Và sau gần 2 năm ra mắt thị trường, phản hồi của khách hàng khá tốt.
- Đồ thể thao là một sân chơi đầy cạnh tranh ở Việt Nam. Theo quan điểm của chị, Kamito có gì nổi trội để cạnh tranh với các đối thủ, vốn nhiều hơn cả về kinh nghiệm lẫn tiềm lực kinh tế trên thị trường Việt Nam?
Kamito là một thương hiệu Việt, ra đời để phục vụ người Việt. Vì thế, tiêu chí hàng đầu của Kamito đặt ra là “tính phù hợp”. Phù hợp về thói quen, sở thích, phù hợp với yếu tố tự nhiên, phù hợp về màu sắc, kiểu dáng và đặc biệt là phù hợp về giá thành.


Hành trình để người Việt quay về với hàng Việt
- Là “lính mới”, Kamito làm cách nào để trở thành áo đấu chính thức của nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp của Việt Nam?
Là lính mới như bạn nói, Kamito không có một profile khủng, cũng không thể “chi đậm” như nhiều nhà tài trợ khác. Kamito dùng chính chất lượng sản phẩm và sự cầu thị của đội ngũ để thuyết phục đối tác. Hiện tại, Kamito trở thành nhà tài trợ trang phục thi đấu chính thức của CLB bóng đá chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương, Bình Định, Thái Sơn Nam FC (Futsal)... Ngoài ra, Kamito cũng đồng hành cùng một số CLB bóng đá nghệ sỹ danh tiếng như V-stars, FC Music, Runam Star….
- Những đôi giày Kamito phiên bản QH19 ra đời trong thời điểm Quang Hải đang “nổi như cồn” ở Việt Nam. Công ty có gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Hải đồng ý cho ra mắt QH19? Sau Quang Hải, có cầu thủ nào sắp hợp tác với Kamito để ra mắt sản phẩm mới hay không?
Không, mọi sự hợp tác đều diễn ra rất vui vẻ và suôn sẻ. Còn về Quang Hải, dù là “ngôi sao” nhưng tính tình lại rất thân thiện và khi làm việc lại vô cùng chuyên nghiệp. Kamito quyết định hợp tác với Quang Hải để ra mắt một sản phẩm mang tên em như một cách tôn vinh và thể hiện tình yêu của chính đội ngũ Kamito dành cho Hải. Không nằm ngoài dự tính, tình yêu mà người Việt dành cho Hải quá lớn nên mẫu giày QH19 cũng vì thế được ủng hộ mạnh mẽ và sau hơn 1 năm ra mắt vẫn đang là “best-seller” của Kamito.
Sau Quang Hải, Kamito sẽ hợp tác với một vài cầu thủ/VĐV khác nữa, cũng sẽ đều là những cái tên được người hâm mộ dành rất nhiều tình cảm. Tuy nhiên, cho tôi xin phép giữ bí mật tên của những người đó tới phút chót nhé.
- Hiện tại, một số trường dạy bóng đá và cả một hệ thống trường danh tiếng của Việt Nam đều đang là khách hàng của Kamito. Khách hàng trẻ em đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của công ty?
Kamito may mắn đang được “se chỉ luồn kim” để làm lên những bộ trang phục cho các bạn học sinh VinShool, trang phục thi đấu của học viện bóng đá VietGoal cũng như nhiều trung tâm bóng đá khác. Hơn nữa, trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, thương hiệu Kamito hi vọng sẽ được ươm mầm và trưởng thành cùng các em.
- Vì sao Midomax lại có triết lý “Khách hàng KHÔNG phải thượng đế, khách hàng là BẠN”? Công ty đã làm gì để đạt được tiêu chí này?
Thực tế là như vậy, với mỗi khách hàng một khi đã đến đều trở thành bạn của chúng tôi. Không đơn thuần là phục vụ mua-bán, chúng tôi duy trì phương châm kết nối với khách hàng một cách thân thiện, vui vẻ và lâu bền nhất có thể.
- Chị đặt ra mục tiêu gì cho doanh nghiệp của mình trong 5 đến 10 năm tới. Liệu công ty có niêm yết và trở thành một doanh nghiệp đại chúng?
Tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho 5 hay 10 năm tới, mục tiêu duy nhất được đặt ra là mỗi thành viên trong công ty đều phải cố gắng để tốt hơn mỗi ngày, ngoài mục tiêu chính là kinh doanh còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. Chỉ có như thế thì công ty mới liên tục trên đà tăng trưởng, còn tăng bao nhiêu % hay tăng tới ngưỡng nào thì tôi chưa tính tới.
- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện vô cùng thú vị này!
TT&VH (thực hiện)
← Bài trước Bài sau →